Chắc hẳn thời gian vừa qua, vấn đề kinh tế thị trường tài chính luôn là vấn đề nổi cộm trong tình hình khó khăn sau đại dịch Covid, Chính phủ và Ngân hàng nhà nước liên tiếp đưa ra các chính sách để kích cầu và tăng trưởng phát triển kinh tế trở lại. Trong đó về lĩnh vực ngân hàng, đã có nhiều chính sách trong đó có chính sách liên quan đến “Room tín dụng”.
Vậy bạn đã hiểu đầy đủ Room tín dụng là gì?, Ý nghĩa và tình hình sử dụng trên thị trường ra sao? Bài viết hôm nay Fingo sẽ giúp bạn làm rõ hơn về vấn đề này.
Room tín dụng là gì?
Room tín dụng được hiểu là một giới hạn, hạn mức cho vay mà Ngân hàng nhà nước giao cho mỗi ngân hàng TMCP theo năm.
Mỗi ngân hàng TMCP sẽ phải thực hiện cân đối cho vay trong năm, thường xem xét nhiều hơn về các khoản vay ngắn hạn có thể trả và vay ra liên tục cho các nhu cầu và giữa các khách hàng khác nhau, thay vì các khoản vay dài hạn gần như sẽ bị chiếm dụng vào room tín dụng trong nhiều năm.
Khi đã hết room tín dụng của năm mà Ngân hàng nhà nước đã giao thì ngân hàng TMCP không thể thực hiện cho vay tiếp, muốn cho vay khoản khác, thì ngân hàng TMCP phải thực hiện thu nợ trước rồi mới cho vay ra, đảm bảo tổng room tín dụng không đối hoặc không vượt quá room tín dụng được giao.
Trường hợp room tín dụng trong năm bị hết sớm, các ngân hàng TMCP có thể đề xuất Ngân hàng nhà nước nới room tín dụng (tăng thêm hạn mức cho vay), tuy nhiên cần có những điều kiện và lý do hợp lý để Ngân hàng nhà nước quyết định.
Ý nghĩa của việc quy định Room tín dụng
Theo định nghĩa về Room tín dụng, bạn có thể hiểu Room tín dụng như một công cụ để quản lý quy mô tín dụng trong lĩnh vực ngân hàng, nó có ý nghĩa và vai trò như sau:
Room tín dụng giúp kiểm soát về tốc độ tăng trưởng tín dụng của từng ngân hàng và toàn hệ thống
Trong trường hợp không có Room tín dụng, các ngân hàng TMCP sẽ có thể cho vay quá nhiều với mục đích tăng trưởng nóng, để chiếm lĩnh thị trường, điều đó có thể dẫn đến nhiều rủi ro như chất lượng tín dụng kém, mất cân đối về nguồn cung vốn ra thị trường (cho vay quá nhiều với thời gian dài, không cân đối được giữa nguồn thu và trả nợ), lạm phát, rủi ro về thanh khoản.
Nâng cao đảm bảo chất lượng tín dụng
Bên cạnh việc kiểm soát tốc độ tín dụng, Room tín dụng còn giúp đảm bảo chất lượng tín dụng.
Do room tín dụng chỉ được quy định với một hạn mức nhất định, vì vậy khi tiến hành cho vay các ngân hàng TMCP phải thực hiện cân nhắc thận trọng giữa các khoản vay, trong việc thẩm định các hồ sơ vay vốn, mục đích cho vay và nguồn trả nợ, đảm bảo chất lượng tín dụng tốt và có khả năng hoàn trả khi đến hạn. Việc này sẽ được các ngân hàng chú trọng ngay từ đầu năm khi được giao room tín dụng và nó thực sự càng khắt khe hơn khi phần room tín dụng còn lại hạn chế.
Các bạn cũng có thể thấy Ngân hàng nhà nước thường điều chỉnh tỷ lệ tăng trưởng tín dụng tối đa cho từng ngân hàng qua các năm. Việc điều chỉnh này được đánh giá căn cứ trên mức độ rủi ro trong quản lý tín dụng của từng ngân hàng.
Sự rủi ro này có thể đến từ việc ngân hàng này cho vay quá nhiều tập trung vào các lĩnh vực được cho là rủi ro cao như bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu… các dự án này đang có dấu hiệu bất ổn gây rủi ro thanh khoản cho ngân hàng hoặc có dấu hiệu thẩm định cho vay chưa chặt chẽ có khả năng gây nên mất vốn cho ngân hàng.
Như vậy, Ngân hàng nhà nước có thể dùng Room tín dụng siết chặt hoặc nới lỏng trong quá trình hoạt động của ngân hàng TMCP để đảm bảo chất lượng tín dụng.
Góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô
Theo lý thuyết việc cung tiền ra thị trường do Ngân hàng nhà nước điều chỉnh bằng một số chính sách khác nhau như
Nghiệp vụ thị trường mở: liên quan đến việc mua và bán chứng khoán của ngân hàng trung ương, giao dịch chứng khoán của ngân hàng trung ương làm thay đổi cơ sở tiền: Việc mua làm tăng cơ sở tiền, và việc bán làm giảm cơ sở tiền.
Trái lại, giao dịch giữa các tổ chức tài chính, các hãng kinh doanh, hoặc cá nhân đơn thuần chỉ tái phân phối lượng cơ sở tiền sẵn có trong nền kinh tế mà không làm thay đổi tổng cơ sở tiền.
Tỷ lệ dự trữ bắt buộc : tỷ lệ ngân hàng nhà nước yêu cầu các ngân hàng TMCP phải có một tỷ lệ dự trữ tiền nhất định để đảm bảo thanh khoản.
Lãi suất chiết khấu: lãi suất Ngân hàng nhà nước cho vay ngân hàng TMCP.
Có thể thấy các chính sách của ngân hàng nhà nước thường tác động vào ngân hàng TMCP do tiền từ ngân hàng nhà nước thường thông qua ngân hàng TMCP để đi ra thị trường. Vì vậy việc để một tỷ lệ Room tín dụng nhất định cũng giúp cho việc cung tiền ra thị trường thông qua ngân hàng TMCP bị hạn chế hoặc mở rộng hơn tùy theo tình hình thị trường cần điều tiết, tránh việc nguồn cung lớn, giảm lãi suất, dẫn đến nhu cầu về đầu tư, tiêu dùng tăng, gây nên giá tăng và lạm phát trên thị trường.
Cách tính Room tín dụng như thế nào?
Vào đầu năm, Ngân hàng nhà nước sẽ xác định và phân phối tỉ lệ hạn mức tăng trưởng (Room tín dụng) cho từng Ngân hàng TMCP. Để tính được mức tín dụng tối đa trong năm đó ngân hàng có thể cho vay bằng cách, lấy quy mô tín dụng nhân với hạn mức tăng trưởng tín dụng.
Ví dụ: Giả sử, đầu năm 2022, Ngân hàng nhà nước áp cho ngân hàng B mức độ tăng trưởng tín dụng là 12%, với quy mô tín dụng là 100.000 tỷ VND trong năm 2021. Như vậy, room tín dụng của ngân hàng này trong năm 2022 sẽ là: 100.000 x 112%= 112.000 tỷ VND.
Ví dụ được hiểu là quy mô tín dụng năm 2021 của ngân hàng B là 100.000 tỷ VND thì đến hết năm 2022 (trong trường hợp không có nới room tín dụng) tổng quy mô tín dụng của ngân hàng B tối đa là 112.000 tỷ VND, ngân hàng B có thể thực hiện cho vay thu nợ thêm trong năm 2022 sao cho số dư tín dụng tại mọi thời điểm trong năm không vượt quá 112.000 tỷ VND.
Tình hình Room tín dụng của các ngân hàng/ tổ chức tín dụng
Theo báo cáo Ngành Ngân hàng: Triển vọng cuối năm 2023 của CTCP Chứng khoán MB (MBS) đã có tổng hợp room tín dụng một số ngân hàng như trên.
Có thể thấy, đây đều là các ngân hàng thuộc top các ngân hàng TMCP tư nhân, nhiều ngân hàng được nới room tín dụng do mức độ tăng trưởng thực tế 06 tháng đầu năm tương đối cao. Ví dụ như MBBank và VPBank được điều chỉnh từ 9% lên 24% trong năm 2023, một số ngân hàng cũng được điều chỉnh tăng từ 4-5%.
Việc nới Room tín dụng được căn cứ trên một số kỳ vọng về thị trường như sau:
- Xuất khẩu sẽ phục hồi tăng trưởng dương trên nền thấp cùng kỳ năm ngoái, cũng như cầu tiêu dùng của Trung Quốc khôi phục lại mạnh mẽ hơn sau khi mở cửa.
- Hiệu ứng từ lãi suất cho vay giảm bắt đầu kích hoạt lại nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và người dân.
- Chính sách tài khóa như giảm thuế VAT từ 10% về 8%, … sẽ phát huy tác dụng kích thích nhu cầu tiêu dùng.
Vì vậy, để tín dụng đạt được mục tiêu đề ra, ngày 10/7 Ngân hàng nhà nước đã điều chỉnh nới room tín dụng cho 11 NHTM lên mức 11% – 24%.
Điều này cho thấy trong thời gian tới, chúng ta sẽ được khuyến khích và tạo điều kiện tiếp cận nhiều nguồn vốn với mức lãi suất phù hợp.
Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng sẽ tận dụng được chính sách nới lỏng room tín tín dụng này của ngân hàng nhà nước, do tình hình thị trường khó khăn, các ngân hàng cần kiểm soát chặt chẽ trong quá trình thẩm định, cho vay vốn, đảm bảo các doanh nghiệp, cá nhân có nguồn thu đảm bảo nguồn trả nợ, tránh trường hợp tăng trưởng nhanh, gây nên sức ép về nợ xấu phải giải quyết về sau.
Để lại một bình luận