• Giải ngân là gì? Quy trình giải ngân của ngân hàng
    Bùi Thu Hằng

    Giải ngân là gì? Quy trình giải ngân của ngân hàng

    Chắc hẳn thuật ngữ “ Giải ngân” đã được nhiều bạn biết đến, nhưng để hiểu thực sự về nó hoặc tránh sự nhầm lẫn khi sử dụng, bài viết hôm nay Fingo sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn Giải ngân là gì? và các Phương cách thực hiện giải ngân như thế nào?

    Giải ngân là gì?

    Theo Thông tư 21/2017/TT-NHNN quy định về “Phương thức giải ngân vốn cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng”, định nghĩa về giải ngân trong các tổ chức tín dụng như sau:

    Giải ngân vốn cho vay là việc tổ chức tín dụng cho vay giao cho khách hàng một khoản tiền thông qua việc sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, bằng tiền mặt để thanh toán, chi trả cho bên thụ hưởng theo mục đích vay vốn ghi trong thỏa thuận cho vay.

    Ngoài ra, đối với các tổ chức khác không thuộc các tổ chức tín dụng, đôi khi cũng sử dụng thuật ngữ giải ngân để thể hiện việc chi tiền sử dụng cho một trường hợp nào đó trong hoạt động của tổ chức. Ví dụ, phòng kế toán khi cần chi vốn cho các phòng ban để thực hiện dự án cũng có thể dùng thuật ngữ giải ngân. Trường học sử dụng tiền trong ngân sách trường để trao tặng học bổng hay mua đồ dùng, dụng cụ giảng dạy… cũng đều gọi là giải ngân.

    Ở bài viết này, chúng ta sẽ tập trung vào giải ngân tại các tổ chức tín dụng.

    Quy trình giải ngân tại tổ chức tín dụng

    Bước 1: Bạn thực hiện trình bày nhu cầu, mục đích vay vốn của mình với tổ chức tín dụng.

    Đồng thời thực hiện kê khai các thông tin, đề nghị vay vốn của mình theo biểu mẫu thu thập thông tin của các tổ chức tín dụng.

    Cung cấp một số hồ sơ cơ bản để tổ chức tín dụng xác thực thông tin.

    Bước 2: Chuẩn bị các hồ sơ theo yêu cầu cung cấp chi tiết của tổ chức tín dụng

    • Hồ sơ pháp lý: CMND/CCCD/hộ chiếu, sổ hộ khẩu, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (nếu chưa kết hôn) hoặc giấy đăng ký kết hôn đối với khách hàng cá nhân hoặc cá nhân chủ doanh nghiệp vay vốn.
    • Giấy đăng ký kinh doanh, giấy phép hoạt động trong ngành nghề đặc biệt…đối với khách hàng doanh nghiệp.
    • Hồ sơ tài chính: Các giấy tờ có thể chứng minh thu nhập của bạn, ví dụ như hợp đồng lao động còn thời hạn, sao kê lương, bảng lương, hóa đơn bán hàng, sổ sách bán hàng, giấy tờ chứng minh sở hữu,…
    • Hồ sơ tài sản đảm bảo: Có thể là giấy đăng ký xe ô tô, sổ đỏ, sổ hồng, sổ tiết kiệm
    • Hồ sơ mục đích sử dụng vốn: Chứng minh mục đích sử dụng vốn vay của bạn là hợp pháp. Các giấy tờ chứng minh có thể là hợp đồng mua bán, giấy đặt cọc, thông báo nộp tiền (nếu mục đích là mua đất, mua nhà, mua xe,…); Giấy phép kinh doanh, nhu cầu vốn tương lai, báo cáo tài chính (nếu mục đích là kinh doanh); Bản dự toán xây sửa nhà, dự toán chi phí (nếu mục đích là xây sửa nhà)…

    Bước 3: Sau khi thu thập sơ bộ các hồ sơ theo checklist cơ bản, tổ chức tín dụng thực hiện xác thực hồ sơ và tiến hành thẩm định nhu cầu vay vốn của khách hàng.

    Thứ nhất, thực hiện thẩm định về pháp lý khách hàng xem khách hàng có bị nợ xấu không, các cá nhân tổ chức người có liên quan đến cá nhân, pháp nhân vay vốn.

    Xem khách hàng có là đại diện, hoặc là người góp vốn cho tổ chức nào không, hoặc đang vay vốn bên thứ ba trước đó không, đề phòng khách hàng thực hiện vay vốn để đảo món nợ khác hoặc thực hiện vay hộ một bên thứ ba.

    Thứ hai, đến phần tài chính, năng lực kinh doanh của khách hàng; 

    Với khách hàng cá nhân phần này chính là mức lương, nguồn thu nhập khác mà khách hàng có trong quá trình sinh sống được đánh giá có đủ khả năng trả nợ cho khoản vay không.

    Với khách hàng doanh nghiệp, là năng lực kinh doanh trong lĩnh vực khách hàng có nhu cầu vay vốn, tình hình báo cáo tài chính qua các năm, có bị tồn kho và các khoản phải thu khó đòi không, có bị mất cân đối vốn không (tài sản ngắn hạn không đủ cho nợ ngắn hạn đến hạn phải trả- thường do khách hàng sử dụng vốn vay sai mục đích, vay ngắn hạn đầu tư dài hạn…), từ đó cũng tính toán khả năng trả nợ của khách hàng.

    Thứ ba, xem xét tài sản đảm bảo của khách hàng cho khoản vay.

    Với khách hàng cá nhân mục đích vay vốn là mua bất động sản, xe ô tô, xây sửa nhà thì tài sản đảm bảo thường sẽ chính là sổ đỏ, sổ hồng căn nhà hoặc đăng ký xe ô tô (tài sản đảm bảo hình thành từ vốn vay). Một số ngân hàng tài trợ người mua nhà dự án chưa có sổ đỏ, giải ngân theo tiến độ và thực hiện ký các cam kết ba bên với chủ đầu tư, tổ chức tín dụng và khách hàng.

    Với khách hàng doanh nghiệp thường là tài sản bất động sản, phương tiện vận tải của chủ doanh nghiệp của doanh nghiệp, ngoài ra tổ chức tín dụng nhân thêm các quyền đòi nợ (hợp đồng của khách hàng với đối tác uy tín theo quy định của ngân hàng), kho hàng hóa (nếu khách hàng có kho hàng sản phẩm…).

    Cuối cùng xem xét, đánh giá hồ sơ mục đích vay vốn.

    Khách hàng có nhu cầu vay vốn là gì, mua nhà (hợp đồng mua bán, giấy phép xây dựng, hợp đồng đặt cọc…), mua phương tiện vận tải (hợp đồng mua bán, đăng ký, đăng kiểm, giấy chứng nhận xuất xưởng…), sản xuất kinh doanh (hợp đồng mua bán với đầu vào, đầu ra…)

    Đây là hồ sơ xác định mục đích, giá trị cho vay căn cứ trên nhu cầu, tài sản của khách hàng.

    Ngoài ra trong quá trình thẩm định, tổ chức tín dụng có thể thu thập thêm một số hồ sơ liên quan đến khách hàng ngoài checklist với những điểm cần làm rõ thông tin để ra được quyết định phê duyệt.

    Sau khi xem xét toàn bộ hồ sơ, xác minh thông tin và tính toán nhu cầu vốn, tổ chức tín dụng sẽ ra quyết định cho vay hay không, nếu cho vay thì giá trị là bao nhiêu và các điều kiện kèm theo mà khách hàng cần tuân thủ trước, trong và sau quá trình giải ngân.

    Bước 4: Tổ chức tín dụng thực hiện thông báo cho khách hàng về kết quả phê duyệt và ký kết hợp đồng tín dụng.

    Trong hợp đồng tín dụng sẽ đề cập rõ về hạn mức, kỳ hạn, lãi suất vay, phương thức giải ngân và các quyền lợi, nghĩa vụ của 2 bên. Nếu hai bên thống nhất với các điều khoản trong hợp đồng sẽ tiến hành ký kết và thực hiện giải ngân.

    Đồng thời, tổ chức tín dụng hướng dẫn, hỗ trợ khách hàng chuẩn bị các hồ sơ để thực hiện giải ngân kèm theo.

    Phương thức giải ngân vốn vay của các tổ chức tín dụng

    Giải ngân vốn cho vay sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt

    Phương thức này được hiểu là khi thực hiện giải ngân, tổ chức tín dụng sẽ thực hiện chuyển số tiền này cho người vay vốn bằng hình thức chuyển khoản sang tài khoản khách hàng hoặc bên thụ hưởng (bên thụ hưởng có thể là chính khách hàng vay vốn trong trường hợp giải ngân bù đắp vốn tự có khách hàng đã tự thanh toán trước đó, hoặc bên thụ hưởng là bên thứ ba mà khách hàng cần phải vay để thanh toán cho việc mua bản sử dụng dịch vụ của bên đó.)

    Tài khoản bên thụ hưởng thường sẽ được yêu cầu mở tại ngân hàng thực hiện giải ngân cho khách hàng vay vốn (trừ một số trường hợp quy định khác cần có phê duyệt cụ thể).

    Việc chuyển số tiền giải ngân vào tài khoản thanh toán của bên thụ hưởng tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán được tổ chức tín dụng cho vay thực hiện ngay trong ngày giải ngân vốn vay theo mục đích ghi trong thỏa thuận cho vay; trường hợp việc giải ngân vốn vay thực hiện sau giờ giao dịch thanh toán trong ngày của tổ chức tín dụng cho vay thì việc chuyển tiền được thực hiện vào ngày làm việc tiếp theo của tổ chức tín dụng đó.

    Trong hai trường hợp bên thụ hưởng kể trên, trường hợp chiếm phần lớn và được khuyến khích hơn là tổ chức tín dụng sẽ thực hiện giải ngân cho bên thụ hưởng là bên thứ ba có giao dịch mua bán cần thanh toán của khách hàng vay vốn.

    Tuy nhiên, tổ chức tín dụng vẫn sẽ có trường hợp phải giải ngân vào tài khoản của khách hàng và chỉ được giải ngân cho vay vào tài khoản thanh toán của khách hàng tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán trong các trường hợp:

    • Khách hàng thanh toán, chi trả cho các mục đích sử dụng vốn vay mà pháp luật quy định phải thực hiện thông qua tài khoản thanh toán của khách hàng;
    • Khách hàng là bên thụ hưởng có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, đã ứng vốn tự có để thanh toán, chi trả các chi phí thuộc chính phương án, dự án kinh doanh hoặc phương án, dự án phục vụ đời sống được tổ chức tín dụng cho vay quyết định cho vay theo quy định của pháp luật;
    • Khách hàng trực tiếp thanh toán, chi trả tiền mua sản phẩm nông nghiệp thuộc lĩnh vực nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản từ cá nhân, hộ gia đình, chủ trang trại, hộ kinh doanh và tổ hợp tác có hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn nông thôn để khách hàng thực hiện phương án sản xuất kinh doanh, phù hợp với mục đích vay vốn ghi trong thỏa thuận cho vay.

    Phương thức giải ngân vốn cho vay bằng tiền mặt

    Với phương thức này, tổ chức tín dụng chỉ được quyết định giải ngân bằng tiền mặt khi:

    • Khách hàng thanh toán, chi trả cho bên thụ hưởng (không bao gồm pháp nhân) không có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán;
    • Khách hàng là bên thụ hưởng (không bao gồm pháp nhân) không có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, đã ứng vốn tự có để thanh toán, chi trả các chi phí thuộc chính phương án, dự án kinh doanh hoặc phương án, dự án phục vụ đời sống được tổ chức tín dụng cho vay quyết định cho vay theo quy định của pháp luật.
    • Đồng thời, khách hàng phải gửi cho tổ chức tín dụng cho vay văn bản cam kết của bên thụ hưởng về việc bên thụ hưởng không có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

    Các lưu ý khi giải ngân

    • Khi có nhu cầu vay vốn, bạn cần cung cấp đầy đủ thông tin chi tiết và trung thực đảm bảo cho việc thẩm định của tổ chức tín dụng diễn ra nhanh chóng và chính xác. 
    • Trong quá trình làm hồ sơ, cố gắng sắp xếp thời gian khi ngân hàng có các yêu cầu về hồ sơ và các thủ tục cần thiết khi giải ngân để có thể vay vốn một cách nhanh chóng nhất đảm bảo tiến độ công việc của cá nhân hoặc doanh nghiệp.
    • Sau khi được phê duyệt, cần đọc kĩ các điều kiện về cho vay, thời gian, quy định lãi suất để đảm bảo thực hiện được xuyên suốt trong quá trình vay vốn, nếu có thắc mắc cần yêu cầu nhân viên tổ chức tín dụng làm rõ.
    • Cần tìm hiểu thông tin một số ngân hàng về nhu cầu vay vốn của mình trước khi thực hiện vay vốn tại ngân hàng nào đó để đảm bảo quyền lợi của mình, đặc biệt với khoản vay lớn và thời gian kéo dài.

    Hy vọng với những thông tin trên đây có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về giải ngân để có thêm nhiều sự an tâm và lựa chọn các sản phẩm khi có nhu cầu vay vốn tại các tổ chức tài chính. 

    Đánh giá bài viết
    Thông tin này có hữu ích với bạn không?

    Bùi Thu Hằng

    Xin chào! tôi là Bùi Thu Hằng, tốt nghiệp Đại học kinh tế Quốc Dân và có hơn 5 năm kinh nghiệm làm việc trong các tổ chức tài chính, ngân hàng như Techcombank, TpBank, Vicoland. Sự hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực tài chính và kinh nghiệm thực tiễn có được trong quá trình làm việc, tôi mong muốn được chia sẻ những thông tin hữu ích đến bạn đọc thông qua các bài viết trên website fingo.vn

    Chi tiết

    Trả lời

    Bình luận