• Thẻ tín dụng bị khóa: Nguyên nhân và cách mở khóa

    Bùi Thu Hằng

    Sử dụng thẻ tín dụng là hình thức rất phổ biến hiện nay để thực hiện thanh toán các giao dịch chi tiêu, thanh toán hóa đơn, tuy nhiên có nhiều trường hợp khi bạn thực hiện thanh toán, thẻ tín dụng đã bị khóa. Vậy nguyên nhân là gì và cách mở thẻ thẻ tín dụng bị khóa như thế nào?!

    Bài viết hôm nay Fingo sẽ cung cấp một số thông tin để bạn có thể rõ hơn về vấn đề này.

    Thẻ tín dụng là loại thẻ do các tổ chức tín dụng phát hành, người sở hữu có thể dùng để thanh toán các hóa đơn giao dịch mà không cần tiền có sẵn trong thẻ. Khi sử dụng thẻ, bạn thực hiện vay trước số tiền tối đa theo hạn mức thẻ được cấp để chi tiêu và trả lại khoản tiền này cho ngân hàng theo thời gian quy định.

    Các nguyên nhân khiến thẻ tín dụng bị khóa

    Trong quá trình sử dụng, thẻ tín dụng có thể bị khóa khi bạn chủ động đề nghị khóa hoặc hệ thống ngân hàng tự thực hiện khóa khi bạn chưa yêu cầu do một số nguyên nhân.

    Ngưng sử dụng thẻ vượt quá thời gian quy định

    Trong khoảng thời gian tối đa 1 năm, nếu bạn không thực hiện bất kỳ giao dịch nào, hệ thống ngân hàng sẽ tự động khóa thẻ tín dụng của bạn, việc này thực hiện để đảm bảo an toàn, tránh bị kẻ xấu chiếm dụng trong trường hợp thẻ thất lạc. Đồng thời, cũng giúp bạn tránh các khoản phí duy trì phát sinh khi thẻ còn mở mà bạn không còn nhu cầu sử dụng nữa.

    Nếu hiện tại bạn chưa muốn sử dụng thẻ tín dụng mà vẫn muốn duy trì thẻ khi có việc cần thì nên sử dụng ít nhất 1 lần trong 2 tháng để giữ thẻ luôn trong trạng thái hoạt động.

    Thẻ tín dụng hết thời gian sử dụng

    Thời gian thẻ tín dụng được ghi ở mặt trước của thẻ với thông tin thời điểm bắt đầu sử dụng và thời điểm thẻ hết hạn.

    Thông thường các thẻ tín dụng có thời hạn từ 2-5 năm.

    Việc khóa thẻ này khác với việc khóa thẻ khi không sử dụng sau một thời gian nhất định ở trên.
    Với trường hợp trên bạn hoàn toàn có thể thực hiện yêu cầu kích hoạt lại thẻ để sử dụng trên cơ sở dùng thẻ cũ, còn với trường hợp này bạn sẽ cần làm lại thẻ mới hoàn toàn thì mới có thể tiếp tục sử dụng.

    Nhập sai mã PIN quá 03 lần

    Nguyên nhân này thường xảy ra khi chủ thẻ không nhớ, nhầm lẫn các mã PIN hoặc thẻ bị kẻ xấu chiếm đoạt nên không biết chính xác mã PIN

    Với trường hợp này, nếu bạn là chủ thẻ bạn cần thông báo đến tổng đài hoặc ra quầy giao dịch/ chi nhánh gần nhất để được hướng dẫn lấy lại mã PIN.

    Thẻ tín dụng bị nợ quá hạn

    Như trên đã trình bày, thì thẻ tín dụng cho phép bạn vay trước một hạn mức nhất định để chi tiêu và trả lại theo thời gian quy định của tổ chức tín dụng.

    Thông thường thẻ tín dụng cho phép người dùng chi tiêu trước trả tiền sau với thời hạn miễn lãi lên đến 45 ngày, tuy nhiên, khi đến hạn thanh toán theo quy định của ngân hàng, chủ thẻ cần hoàn trả lại đầy đủ số tiền đã chi tiêu cho ngân hàng.

    Nếu sau thời hạn thanh toán chủ thẻ chưa hoàn trả toàn bộ dư nợ hoặc chưa thanh toán tối thiểu dư nợ thẻ tín dụng mà ngân hàng yêu cầu, ngân hàng sẽ nghi ngờ về khả năng trả nợ của chủ thẻ.
    Trường hợp bạn không trả đúng hạn theo định bạn sẽ ghi nhận mức độ nhóm nợ quá hạn tùy theo thời gian quá hạn của bạn.

    • Nhóm 1 (nợ đủ tiêu chuẩn): khoản nợ quá hạn dưới 10 ngày
    • Nhóm 2 (Nợ cần chú ý): khoản nợ quá hạn từ 10 – 90 ngày
    • Nhóm 3 (Nợ dưới tiêu chuẩn): khoản nợ quá hạn từ 91 đến 180 ngày
    • Nhóm 4 (Nợ nghi ngờ): khoản nợ quá hạn từ 181 đến 360 ngày
    • Nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn): khoản nợ quá 360 ngày

    Ngân hàng sẽ quyết định khóa thẻ tín dụng khi bạn ở một nhóm nợ nhất định, tùy theo quy định từng ngân hàng.

    Điều này giúp bạn đảm bảo chi tiêu và tích lũy thêm nguồn trả nợ trước khi tiêu dùng thêm, tránh việc chi tiêu quá nhiều nhưng không có khả năng trả nợ.

    Thẻ tín dụng phát sinh giao dịch bất thường

    Các giao dịch được coi là bất thường khi có dấu hiệu sử dụng thanh toán, rút tiền số tiền quá lớn, giao dịch vào khoảng thời gian buổi đêm, xảy ra liên tiếp nhiều giao dịch một lúc.

    Ngân hàng sẽ thực hiện khóa thẻ tạm thời để đảm bảo quyền lợi cho chủ thẻ trong trường hợp bị kẻ gian lợi dụng chiếm đoạt tài sản.

    Thẻ tín dụng bị khóa do lỗi của hệ thống ngân hàng, máy ATM hoặc mPOS

    Do lỗi về kỹ thuật, hệ thống ngân hàng có thể phát hiện nhầm các giao dịch bất thường và thực hiện khóa thẻ để đảm bảo cho chủ thẻ tín dụng.

    Thẻ tín dụng được mở theo một chương trình ưu đãi của ngân hàng và chương trình hết thời hạn
    Các ngân hàng thường có các chương trình để mở các loại thẻ tín dụng với ưu đãi đặc biệt riêng cho một số đối tượng khách hàng, hoặc thẻ dành riêng cho việc áp dụng thanh toán ở một số lĩnh vực, địa điểm vui chơi, tham quan du lịch như thẻ tín dụng dành riêng cho phụ nữ, thẻ tín dụng ưu đãi khi sử dụng tham quan nghỉ dưỡng tại Vinpearl…

    Khi các chương trình này hết hạn thì có thể thẻ tín dụng áp dụng cũng sẽ không còn được áp dụng theo và ngân hàng có thể thực hiện khóa thẻ tín dụng khi khách hàng không sử dụng hoặc đã trả hết nghĩa vụ với ngân hàng.

    Với trường hợp này, thông thường ngân hàng sẽ có thông báo để hướng dẫn các khách hàng tiếp tục sử dụng thẻ tín dụng chuyển sang các sản phẩm khác tương đương hoặc có mức ưu đãi phù hợp với nhu cầu.

    Các cách mở lại thẻ tín dụng bị khóa

    Tùy từng nguyên nhân sẽ có những bước thực hiện cụ thể, tuy nhiên nhìn chung khi bị khóa thẻ, bạn nên thực hiện như sau:

    Gọi điện lên tổng đài, hoặc đến trực tiếp quầy giao dịch/ chi nhánh gần nhất ngân hàng mà bạn mở thẻ tín dụng để thông báo và xác định nguyên nhân bị khóa thẻ.

    Hoàn thiện các thủ tục theo hướng dẫn của nhân viên ngân hàng: trường hợp khóa do lâu không sử dụng hoặc nhập sai mã PIN thực hiện yêu cầu kích hoạt lại, trường hợp bị nợ quá hạn thực hiện thanh toán đầy đủ nghĩa vụ, …

    Sau khi hoàn thiện các thủ tục, nhân viên ngân hàng sẽ thực hiện kích hoạt lại hoặc mở thẻ tín dụng mới tùy từng nguyên nhân để bạn có thể tiếp tục sử dụng nếu có nhu cầu.

    Những lưu ý để tránh bị khóa thẻ tín dụng

    • Bảo mật thông tin thẻ (bao gồm số thẻ, mã CV – 3 chữ số sau mặt thẻ, mã PIN…), không đưa thẻ cho người khác mượn hoặc sử dụng để tránh các giao dịch bất thường
    • Thực hiện theo dõi các khoản chi tiêu để thanh toán các khoản nợ thẻ tín dụng đúng hạn
    • Duy trì giao dịch thẻ tín dụng đảm bảo không bị quá thời hạn giao dịch.
    • Cập nhật, kiểm tra các thông báo từ các tổ chức phát hành thẻ tín dụng cho bạn.
    • Thông báo cho tổ chức phát hành khi có các giao dịch bất thường hoặc nghi ngờ có dấu hiệu bất thường.

    Như các bạn có thể thấy, khóa thẻ tín dụng là một hình thức đảm bảo cho chủ thẻ trong một số trường hợp bị kẻ xấu lợi dụng. Vì vậy để tránh việc bất tiện khi đang sử dụng mà bị khóa, bạn nên thực hiện các lưu ý trên đảm bảo cho giao dịch được thuận lợi.

    5/5 - (1 bình chọn)
    Thông tin này có hữu ích với bạn không?

    Bùi Thu Hằng

    Xin chào! tôi là Bùi Thu Hằng, tốt nghiệp Đại học kinh tế Quốc Dân và có hơn 5 năm kinh nghiệm làm việc trong các tổ chức tài chính, ngân hàng như Techcombank, TpBank, Vicoland. Sự hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực tài chính và kinh nghiệm thực tiễn có được trong quá trình làm việc, tôi mong muốn được chia sẻ những thông tin hữu ích đến bạn đọc thông qua các bài viết trên website fingo.vn

    Chi tiết

    Để lại một bình luận

    Back to top