Nợ xấu xảy ra khi bạn bị quá hạn khoản nợ với một số ngày nhất định và chắc chắn nó ảnh hưởng đến lịch sử giao dịch tín dụng của bạn. Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp quá hạn đều thành nợ xấu, vậy quá hạn bao nhiêu ngày sẽ thành nợ xấu và khi phát sinh nợ xấu thì có mở được thẻ tín dụng không? Bài viết hôm nay sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Nợ xấu là gì?
Hiện nay, theo Khoản 1 Điều 10 Thông tư 11/2021/TT-NHNN, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện phân loại nợ (trừ các khoản trả thay theo cam kết ngoại bảng) theo 05 nhóm như sau:
Nhóm 1 (Nợ đủ tiêu chuẩn) bao gồm:
- Khoản nợ trong hạn và được đánh giá là có khả năng thu hồi đầy đủ cả nợ gốc và lãi đúng hạn;
- Khoản nợ quá hạn dưới 10 ngày và được đánh giá là có khả năng thu hồi đầy đủ nợ gốc và lãi bị quá hạn và thu hồi đầy đủ nợ gốc và lãi còn lại đúng thời hạn;
- Khoản nợ được phân loại nhóm nợ có rủi ro thấp hơn
Nhóm 2 (Nợ cần chú ý) bao gồm:
- Khoản nợ quá hạn đến 90 ngày
- Khoản nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ lần đầu còn trong hạn;
Nhóm 3 (Nợ dưới tiêu chuẩn) bao gồm:
- Khoản nợ quá hạn từ 91 ngày đến 180 ngày.
- Khoản nợ gia hạn nợ lần đầu còn trong hạn.
- Khoản nợ được miễn hoặc giảm lãi do khách hàng không đủ khả năng trả lãi đầy đủ theo thỏa thuận.
- Khoản nợ trong thời hạn thu hồi theo kết luận thanh tra, kiểm tra;
- Khoản nợ phải thu hồi theo quyết định thu hồi nợ trước hạn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do khách hàng vi phạm thỏa thuận với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa thu hồi được trong thời gian dưới 30 ngày kể từ ngày có quyết định thu hồi;
Nhóm 4 (Nợ nghi ngờ) bao gồm:
- Khoản nợ quá hạn từ 181 ngày đến 360 ngày;
- Khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn đến 90 ngày theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần đầu;
- Khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai còn trong hạn;
- Khoản nợ quy định tại điểm c(iv) khoản 1 Điều 10 Thông tư 11/2021/TT-NHNN chưa thu hồi được trong thời gian từ 30 ngày đến 60 ngày kể từ ngày có quyết định thu hồi;
- Khoản nợ phải thu hồi theo kết luận thanh tra, kiểm tra nhưng quá thời hạn thu hồi theo kết luận thanh tra, kiểm tra đến 60 ngày mà chưa thu hồi được;
- Khoản nợ phải thu hồi theo quyết định thu hồi nợ trước hạn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do khách hàng vi phạm thỏa thuận với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa thu hồi được trong thời gian từ 30 ngày đến 60 ngày kể từ ngày có quyết định thu hồi;
Nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn) bao gồm:
- Khoản nợ quá hạn trên 360 ngày;
- Khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn từ 91 ngày trở lên theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần đầu;
- Khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai quá hạn theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần thứ hai;
- Khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ ba trở lên;
- Khoản nợ quy định tại điểm c(iv) khoản 1 Điều 10 Thông tư 11/2021/TT-NHNN chưa thu hồi được trên 60 ngày kể từ ngày có quyết định thu hồi;
- Khoản nợ phải thu hồi theo kết luận thanh tra, kiểm tra nhưng quá thời hạn thu hồi theo kết luận thanh tra, kiểm tra trên 60 ngày mà chưa thu hồi được;
- Khoản nợ phải thu hồi theo quyết định thu hồi nợ trước hạn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do khách hàng vi phạm thỏa thuận với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa thu hồi được trên 60 ngày kể từ ngày có quyết định thu hồi;
- Khoản nợ của khách hàng là tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang bị phong tỏa vốn và tài sản;
Theo khoản 8 Điều 3 Thông tư 11/2021/TT-NHNN, nợ xấu (NPL) là nợ xấu nội bảng, gồm nợ thuộc các nhóm 3, 4 và 5 quy định tại Điều 10 Thông tư 11/2021/TT-NHNN, tức là khoản nợ của bạn quá hạn từ 90 ngày trở lên thì bị coi là nợ xấu.
Lịch sử nợ xấu này thường sẽ bị xóa trong vòng 05 năm trên thông tin Tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) nếu bạn trả hết khoản nợ này và duy trì trả nợ đúng hạn trong những khoản nợ sau.
Nợ xấu có mở được thẻ tín dụng không?
Theo quy định của hầu hết các ngân hàng tại Việt Nam, khách hàng bị nợ xấu từ nhóm 3 trở lên sẽ không được làm thẻ tín dụng. Đối với khách hàng có lịch sử nợ đang duy trì nhóm 1, hoặc quá hạn nhóm 2, vẫn có thể được xem xét phê duyệt phát hành thẻ tín dụng tùy theo chính sách của từng ngân hàng.
Như vậy, nếu bạn đang có nợ xấu nhóm 3 trở lên, bạn sẽ không thể làm thẻ tín dụng tại bất kỳ ngân hàng nào. Tuy nhiên, nếu bạn có lịch sử quá hạn nhóm 2, bạn vẫn có thể nộp hồ sơ mở thẻ tín dụng tại một số ngân hàng.
Các lưu ý mở thẻ tín dụng khi đã phát sinh nợ quá hạn
Với trường hợp khoản nợ của bạn đang xếp vào nợ nhóm 1, bạn chỉ cần cung cấp đầy đủ hồ sơ và đảm bảo khả năng tài chính theo quy định của từng Tổ chức tín dụng để có thể xét duyệt mở thẻ tín dụng. Còn với trường hợp khi đã phát sinh nợ quá hạn nhóm 2, để tăng khả năng được duyệt hồ sơ mở thẻ tín dụng, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:
Thanh toán đầy đủ khoản nợ xấu
Đây là điều kiện tiên quyết để bạn có thể làm thẻ tín dụng. Bạn cần thanh toán đầy đủ số tiền gốc và lãi của khoản nợ xấu trước khi nộp hồ sơ mở thẻ tín dụng.
Cải thiện các yếu tố tín dụng khác
Bên cạnh việc thanh toán đầy đủ khoản nợ xấu, bạn cũng cần cải thiện các yếu tố tín dụng khác của mình, chẳng hạn như:
- Thu nhập ổn định và có thể chứng minh được.
- Không tiếp tục có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng.
- Có lịch sử giao dịch tài chính tốt.
Chuẩn bị hồ sơ đầy đủ và chính xác
Khi nộp hồ sơ mở thẻ tín dụng, bạn cần chuẩn bị đầy đủ và chính xác các giấy tờ theo yêu cầu của ngân hàng.
Trên đây là một số thông tin về việc nợ xấu có làm thẻ tín dụng được không. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích cho bạn khi bạn có nhu cầu.
Để lại một bình luận