Thông thường nhắc đến hội sở ngân hàng, bạn sẽ tưởng tượng ra là nơi rất lớn, đẹp, nhiều nhân viên với mức độ chuyên nghiệp cao. Vậy hội sở ngân hàng là gì, chức năng của hội sở là gì và nó khác gì với chi nhánh và phòng giao dịch ngân hàng, bài viết hôm nay sẽ làm rõ hơn vấn đề này.
Hội sở ngân hàng là gì?
Hội sở ngân hàng là cơ quan chính của ngân hàng bao gồm toàn bộ các bộ phận phòng ban của ngân hàng, để giải quyết toàn bộ các công việc của ngân hàng, là nơi đưa ra chính sách, chiến lược quan trọng chi phối hoạt động của ngân hàng.
Mỗi hội sở sẽ bao gồm nhiều phòng ban với các chức năng khác nhau như: Phòng chủ tịch/ phó chủ tịch, ban lãnh đạo (tổng giám đốc/ phó tổng giám đốc), hội đồng quản trị, các phòng ban chức năng như phòng thẩm định, phòng hỗ trợ tín dụng, phòng nguồn vốn- thị trường tài chính, tài trợ thương mại, phòng kế hoạch, phòng tài chính, phòng kinh doanh, mua sắm vật tư…
Các ngân hàng thường chỉ có một hội sở được đặt ở 1 trong 2 thành phố lớn là Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh, một số ngân hàng lớn sẽ có 02 hội sở ở cả hai thành phố này.
Sở dĩ hội sở sẽ được đặt tại 1 trong 2 thành phố này, bởi đây là 1 trong 2 thành phố đầu não của Việt Nam với các bộ máy nhà nước, quan chức cấp cao, đảm bảo giao dịch, an ninh an toàn cho hệ thống.
Bên cạnh đó 02 thành phố này cũng là 02 thành phố lớn nhất cả nước, đông dân cư và hiện đại nhất, giúp phát triển nhanh và có sự tiếp cận tốt các dịch vụ của ngân hàng.
Chức năng của Hội sở ngân hàng
Hội sở ngân hàng là nơi diễn ra các hoạt động như sau:
- Diễn ra các cuộc họp của ban lãnh đạo, hội đồng quản trị, lãnh đạo cấp cao về các chiến lược, chính sách, chỉ tiêu nhằm đem lại hiệu quả tốt nhất cho ngân hàng, sau đó tiến hành áp dụng cho toàn bộ hệ thống ngân hàng bao gồm các phòng ban liên quan tại Hội sở và các đơn vị kinh doanh (chi nhánh/ phòng giao dịch)
- Là nơi các đơn vị kinh doanh (chi nhánh/ phòng giao dịch) họp với các lãnh đạo cấp cao báo cáo về kết quả kinh doanh theo thường niên hoặc đột xuất.
- Nơi diễn ra các cuộc họp thẩm định tín dụng với các khách hàng lớn khi có nhu cầu cấp tín dụng
- Đưa ra các chính sách về lãi suất, sản phẩm, chương trình phù hợp với thị trường.
- Là nơi các phòng ban bộ phận cao nhất của từng chức năng hoạt động đưa ra ý kiến cho từng mảng hoạt động, ví dụ như phòng thẩm định có chức năng thẩm định phê duyệt mà vượt quyền phê duyệt thẩm định của chi nhánh, phòng hỗ trợ tín dụng duyệt vận hành các món vay/ giải ngân cho khách hàng mà chi nhánh không được quyền duyệt…
Phân biệt hội sở và chi nhánh/phòng giao dịch ngân hàng
Để phân biệt được Hội sở, chi nhánh và phòng giao dịch, bạn có thể hiểu các đơn vị này với mức độ phân cấp từ cao đến thấp như sau:
Hội sở => Chi nhánh/ sở giao dịch => Phòng giao dịch
Trong đó Hội sở đã được giới thiệu như trên, còn chi nhánh/ sở giao dịch và phòng giao dịch được định nghĩa như sau:
Chi nhánh ngân hàng
Chi nhánh ngân hàng thuộc vào các đơn vị kinh doanh, có chức năng kinh doanh toàn bộ các sản phẩm cơ bản của ngân hàng như gửi tiền, cho vay, thanh toán quốc tế, mua bán trái phiếu… và một số dịch vụ ngân hàng cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
Thông thường, chi nhánh sẽ được đặt tại các tỉnh, thành phố lớn trên cả nước
Việc đạt được chi nhánh sẽ bao gồm các tiêu chí về quy mô nhân sự, quy mô kết quả kinh doanh (dư cho vay, dư bảo lãnh, LC…)
Một số ngân hàng phân cấp thành chi nhánh cấp 1 và chi nhánh cấp 2, cũng dựa trên địa điểm đặt đơn vị kinh doanh (như cấp 1 đặt ở thành phố lớn hơn cấp 2…), chỉ tiêu về quy mô nhân sự, kết quả kinh doanh…
Chi nhánh thường bao gồm phòng dịch vụ khách hàng, phòng khách hàng cá nhân, phòng khách hàng doanh nghiệp, ngân quỹ, hành chính, một số đơn vị thuộc 04 ngân hàng cổ phần có vốn nhà nước còn có thể có phòng nhân sự tại chi nhánh, thực hiện quản lý như một ngân hàng thu nhỏ.
Sở giao dịch ngân hàng
Sở giao dịch thường có quyền và quy mô thấp hơn so với chi nhánh, một số ngân hàng thì tương đương chi nhánh,
Căn cứ để đánh giá đạt sở giao dịch cũng tương tự như chi nhánh như địa điểm, chỉ tiêu về quy mô (nhân sự, chỉ tiêu kinh doanh…)
Thông thường sở giao dịch cũng hoạt động các chức năng và bán các sản phẩm tương tự chi nhánh, tuy nhiên cùng tùy chính sách từng ngân hàng về phân cấp các chức năng và quyền của chi nhánh và sở giao dịch.
Sở giao dịch giống chi nhánh thường bao gồm phòng dịch vụ khách hàng, phòng khách hàng cá nhân, phòng khách hàng doanh nghiệp, ngân quỹ, hành chính…
Phòng giao dịch ngân hàng
Một chi nhánh/ sở giao dịch thường có nhiều phòng giao dịch trực thuộc. Phòng giao dịch thường có diện tích nhỏ, quy mô nhân sự và chỉ tiêu kinh doanh thấp.
Phòng giao dịch thường chỉ có các chức năng giao dịch cho các khách hàng cá nhân, với nhu cầu khách hàng doanh nghiệp như vay vốn, tài trợ thương mại thường không thực hiện được và phải giới thiệu khách hàng lên sở giao dịch/ chi nhánh để thực hiện.
Phòng giao dịch thường bao gồm phòng dịch vụ khách hàng, phòng khách hàng cá nhân, ngân quỹ.
Thông tin Hội sở một số ngân hàng tại Việt Nam
STT | Tên ngân hàng | Địa chỉ hội sở ngân hàng |
1 | Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam | BIDV Tower, 194 Trần Quang Khải, Hà Nội |
2 | Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam | 108 Trần Hưng Đạo, Hà Nội |
3 | Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam | Vietcombank Tower, 198 Trần Quang Khải, Hà Nội |
4 | Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng | VPbank Tower, 89 Láng Hạ, Hà Nội |
5 | Ngân hàng TMCP Quân đội | MB Grand Tower, 63 Lê Văn Lương, Hà Nội |
6 | Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam | Số 6 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội |
7 | Ngân hàng TMCP Á Châu | 442 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3, TP HCM |
8 | Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội | 77 Trần Hưng Đạo, Hà Nội |
9 | Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà TP Hồ Chí Minh | 25Bis Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1, TP. HCM |
10 | Ngân hàng TMCP Sài Gòn | 19-21-23-25 Nguyễn Huệ, Quận 1, Tp. HCM |
11 | Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín | 266 – 268 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, TP. HCM |
12 | Ngân hàng TMCP Tiên Phong | 57 Lý Thường Kiệt, Hà Nội |
13 | Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam | 111A Pasteur, Quận 1, Tp. HCM |
14 | Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam | TNR Tower, 54A Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội |
15 | Ngân hàng TMCP Đông Nam Á- SeaBank | BRG Tower, 198 Trần Quang Khải, Hà Nội |
16 | Ngân hàng TMCP Phương Đông | 41 & 45 Lê Duẩn, Quận 1, Tp. HCM |
17 | Ngân hàng TMCP xuất nhập khẩu Việt Nam | 72 Lê Thánh Tôn, Q.1, TP.HCM |
18 | Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt | Thai Holdings Tower, 210 Trần Quang Khải, Hà Nội |
19 | Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam | 22 Ngô Quyền, Hà Nội |
20 | Ngân hàng TMCP Bắc Á | Tòa nhà số 9 Đào Duy Anh, Hà Nội |
21 | Ngân hàng TMCP An Bình | Tòa nhà Geleximco, 36 Hoàng Cầu, Hà Nội |
22 | Ngân hàng TMCP Đông Á | 130 Phan Đăng Lưu, Q. Phú Nhuận, Tp. HCM |
23 | Ngân hàng TMCP Bảo Việt | 16 Phan Chu Trinh, Hà Nội |
24 | Ngân hàng TMCP Nam Á | 201 – 203 Cách Mạng Tháng Tám, Quận 3, Tp. HCM |
25 | Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín | 62A Cách Mạng Tháng Tám, Quận 3, TP.HCM |
26 | Ngân hàng TMCP Việt Á | 105 Chu Văn An, Hà Đông, Hà Nội |
27 | Ngân hàng TMCP Quốc Dân | 25 Lê Đại Hành, Hà Nội |
28 | Ngân hàng TMCP Bản Việt | 412 Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3, TP.HCM |
29 | Ngân hàng TMCP Kiên Long | Sunshine Center, 16 Phạm Hùng, Hà Nội |
30 | Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương | 2C Phó Đức Chính, Quận 1, TPHCM |
31 | Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex | Mipec Tây Sơn, Hà Nội |
Bài viết là những thông tin cơ bản về hội sở ngân hàng, giúp bạn phân biệt được giữa hội sở, phòng giao dịch, chi nhánh và tại sao lại có nơi thực hiện được nhu cầu của bạn có nơi không. Hy vọng bạn có thể cân nhắc để đi đến đâu trước khi thực hiện giao dịch được nhu cầu của mình.
Để lại một bình luận