Song hành với thuật ngữ “Thẻ tín dụng”, thì “vay thấu chi” cũng được khá nhiều người biết đến với hình thức “tiêu trước trả sau” như một hình thức cho vay của ngân hàng, nhưng cũng có không ít người chưa hiểu rõ hết về hình thức thấu chi là gì và những điều cần lưu ý về nó.
Bài viết hôm nay Fingo sẽ giúp bạn rõ hơn về thấu chi là gì? Và những lưu ý khi sử dụng thấu chi.
Thấu chi là gì?
Thấu chi (tiếng Anh: Overdraft) là một hình thức cho vay của ngân hàng, theo đó ngân hàng cho phép khách hàng chi tiêu vượt quá số dư khả dụng trong tài khoản thanh toán của mình. Số tiền vượt mức này được gọi là hạn mức thấu chi. Ngân hàng sẽ tính lãi đối với khoản tiền vượt mức mà bạn đã chi tiêu.
Ví dụ, bạn có tài khoản thanh toán với số dư là 1 triệu đồng. Bạn được ngân hàng cấp hạn mức thấu chi là 2 triệu đồng. Khi bạn chi tiêu 3 triệu đồng, ngân hàng sẽ ứng trước cho bạn 2 triệu đồng, và bạn sẽ phải trả lãi cho khoản tiền này.
Thông thường để có thể cấp một hạn mức thấu chi cho bạn, ngân hàng phải dựa vào dòng tiền của bạn qua tài khoản với dòng tiền chuyển khoản nhiều, thường xuyên tại ngân hàng, hoặc bạn sẽ được xem xét khi là khách hàng thân thiết, khách hàng ưu tiên, đã có khoản vay hoặc gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Ngoài ra cũng cần xem xét đến nguồn thu nhập của bạn để có thể tính toán được hạn mức nhất định và khả năng trả nợ của bạn.
Công thức tính hạn mức thấu chi
Hạn mức thấu chi được tính theo công thức:
Hạn mức thấu chi = ∑ (Gi x Ri) – B – C
Trong đó:
- Gi: Đây là giá trị của loại giấy tờ có giá i mà tổ chức tín dụng sử dụng trong các giao dịch thấu chi và vay qua đêm, được quy định theo Phụ lục đi kèm với Thông tư này.
- Ri: Tỷ lệ phần trăm thấu chi và vay qua đêm cho loại giấy tờ có giá i được quyết định bởi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong các khoảng thời gian cụ thể.
- i: Loại giấy tờ có giá này nằm trong danh sách các loại giấy tờ có giá được dùng trong giao dịch thấu chi và vay qua đêm trong hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, theo quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
- B: Là số tiền dư nợ vay qua đêm, bao gồm cả dư nợ gốc và lãi vay qua đêm.
- C: Đây là dư nợ vay qua đêm đã quá hạn, bao gồm dư nợ gốc vay qua đêm quá hạn, lãi vay qua đêm chậm trả, lãi quá hạn cho dư nợ gốc vay qua đêm, và lãi tính trên lãi vay qua đêm chậm trả.
Mục đích của sản phẩm thấu chi
Sản phẩm thấu chi ra đời tương tự như sản phẩm thẻ tín dụng với hình thức chi tiêu trước trả sau, giống việc ngân hàng/ tổ chức tín dụng cho bạn vay vốn và bạn phải hoàn trả lại trong một thời gian nhất định.
Với sản phẩm thẻ tín dụng sẽ phù hợp hơn với các chi tiêu mua sắm hàng ngày, vật dụng gia đình, chi phí du lịch…với giá trị nhỏ từ vài chục đến một trăm triệu, khi sử dụng thẻ bạn phải thực hiện tại nơi giao dịch như cửa hàng, trang web mà bạn mua sắm với mục đích rõ ràng chi tiêu gì ngay tại thời điểm chi tiêu, không được chuyển tiền sang tài khoản cá nhân và rất hạn chế rút tiền mặt. Bên cạnh đó, thời gian phải hoàn trả lại ngân hàng thường ngắn và hạn mức không cao.
Còn với sản phẩm thấu chi bạn sẽ được chi tiêu trước chưa cần chứng minh mục đích ngay tại thời điểm tiêu dùng, có thể chuyển khoản sang tài khoản cá nhân, rút tiền mặt và thực hiện hoàn chứng từ cho mục đích sử dụng sau, thời gian cần phải hoàn trả lại tiền thường tối đa lên đến 01 năm, hạn mức cao hơn.
Vì vậy ngoài chi tiêu mục đích tương tự thẻ tín dụng, bạn có thể dùng thấu chi trong các trường hợp chi tiêu có giá trị lớn hơn, linh hoạt và phân bổ vào những mục đích mà bạn cần thay vì chỉ mua sắm, tiêu dùng vào mục đích nhất định, nhưng kèm theo nó là lãi suất cao, do cả hai sản phẩm này là khoản vay nhưng thường sẽ không có tài sản đảm bảo.
Ngoài ra, sản phẩm thẻ tín dụng vì hạn mức nhỏ nên việc chứng minh tài chính khá đơn giản, là sản phẩm thông dụng hơn cho nhiều người nhưng với thấu chi thì hạn chế người được sử dụng hơn, thường phải có giao dịch thường xuyên lớn, khách hàng thân thiết, nhân viên làm việc tại ngân hàng có nguồn thu nhập rõ ràng…Sản phẩm thấu chi ra đời khuyến khích tiêu dùng và cũng là một giải pháp thuận tiện cho những khách hàng thân thiết.
Thấu chi không chỉ được được cấp cho khách hàng cá nhân mà cả khách hàng doanh nghiệp, với các cá nhân là tiêu dùng, mua sắm; với các doanh nghiệp sử dụng trong các chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí trả lương…với những chi phí mà chưa có hóa đơn chứng từ rõ ràng không thể bổ sung đầy đủ giấy tờ để vay vốn bằng hạn mức ngắn hạn, nhưng thực tế vẫn phát sinh trong quá trình doanh nghiệp hoạt động.
Ưu, nhược điểm khi sử dụng thấu chi
Ưu điểm của thấu chi:
Linh hoạt trong chi tiêu: Vay thấu chi cho phép bạn có thêm nguồn tiền để chi tiêu một cách linh hoạt, ngay cả khi tài khoản của bạn không có đủ số dư.
Đáp ứng nhu cầu đột xuất: Loại hình vay này rất hữu ích trong việc đáp ứng các nhu cầu tài chính đột xuất như việc sửa chữa nhà, chi phí y tế, hoặc các khoản chi tiêu khác không dự kiến.
Thủ tục đơn giản: Thường thì việc mở tài khoản thấu chi có thủ tục đơn giản và nhanh chóng, đặc biệt là nếu bạn đã là khách hàng của ngân hàng.
Không cần thế chấp tài sản: Trong trường hợp vay thấu chi tín chấp, bạn không cần phải thế chấp tài sản, điều này giảm bớt rủi ro và phức tạp của quá trình vay.
Tự động trả nợ: Một số ngân hàng tự động trừ tiền từ tài khoản thanh toán của bạn để trả nợ thấu chi, giúp bạn quản lý nợ một cách dễ dàng hơn.
Nhược điểm của thấu chi:
Lãi suất cao: Lãi suất cho vay thấu chi thường cao hơn so với các loại vay truyền thống, đặc biệt nếu bạn không trả nợ đúng hạn.
Khả năng nợ xấu: Nếu bạn không trả được khoản tiền thấu chi, bạn có thể bị nợ xấu.

Lãi suất vay thấu chi là bao nhiêu?
Với sản phẩm thẻ tín dụng, ngân hàng/ tổ chức tín dụng sẽ quy định một thời gian nhất định bạn phải hoàn trả số tiền đã chi tiêu, trong thời gian này bạn sẽ không mất lãi, quá thời gian này bạn sẽ phải trả một số tiền lãi nhất định.
Khác với sản phẩm thẻ tín dụng, khi bạn chi tiêu số tiền trong hạn mức thấu chi, ngay lập tức bạn sẽ bị tính lãi, lãi suất thấu chi thường rất cao do sản phẩm này khách hàng thường sẽ không có tài sản đảm bảo, chủ yếu căn cứ vào nguồn thu nhập trong tương lai căn cứ trên lịch sử thu nhập của khách hàng để trả nợ.
Vì vậy, lãi suất vay thấu chi thường dao động từ 17-20%/năm, thậm chí cao hơn so với mức này. Lãi suất cụ thể sẽ phụ thuộc vào ngân hàng và hạn mức thấu chi mà bạn được cấp, bạn nên tham khảo trực tiếp tại ngân hàng, qua tổng đài tư vấn để biết chính xác khi có nhu cầu.
Cách tính lãi suất vay thấu chi
Lãi suất vay thấu chi được tính theo công thức:
Tiền lãi thấu chi tháng = ∑ (dư nợ thấu chi thực tế x lãi suất thấu chi/365 x số ngày sử dụng thấu chi thực tế)
Các hình thức vay thấu chi
Có hai loại vay thấu chi dựa trên tài sản đảm bảo, bao gồm:
Vay thấu chi có thế chấp: Khoản vay được đảm bảo bằng giá trị của tài sản như sổ tiết kiệm, sổ đỏ, hợp đồng mua bán nhà, đất, xe, và các tài sản khác. Hạn mức vay sẽ tăng theo giá trị tài sản đảm bảo. Trong một số trường hợp, hạn mức vay có thể lên đến hàng tỷ đồng.
Vay thấu chi dựa trên tín chấp: Ngân hàng chủ yếu xem xét thu nhập, uy tín và hồ sơ tín dụng của chủ tài khoản để quyết định hạn mức thấu chi. Tuy nhiên, hạn mức cho loại vay này thường không cao, thường chỉ gấp 3 – 5 lần thu nhập hàng tháng.
Điều kiện, hồ sơ vay thấu chi
Điều kiện vay thấu chi
Để đăng ký dịch vụ vay thấu chi, bạn cần phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Phải là công dân Việt Nam và đã đủ 18 tuổi;
- Đã mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng dự định vay thấu chi;
- Cư trú và làm việc tại một tỉnh hoặc thành phố nơi ngân hàng có chi nhánh, phòng giao dịch;
- Có nguồn thu nhập và công việc ổn định, có khả năng thanh toán nợ;
- Hiện tại không có nợ xấu tại ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng nào.
Thủ tục vay thấu chi
Để đăng ký vay thấu chi, bạn cần đến ngân hàng, thực hiện các yêu cầu của ngân hàng và cung cấp một số giấy tờ cơ bản như sau:
- Chứng minh nhân dân/căn cước công dân.
- Sổ hộ khẩu/sổ tạm trú.
- Giấy tờ chứng minh thu nhập.
- Hồ sơ tài sản bảo đảm (nếu có).
- Giấy xác lập quan hệ khách hàng;
Với những giấy tờ trên, bạn có thể phải cung cấp thêm một số thông tin giấy tờ cơ bản khác, ngân hàng sẽ xem xét hồ sơ của bạn và quyết định có cấp hạn mức thấu chi hay không.

Những điều cần lưu ý khi sử dụng thấu chi
- Như phần trên đã trình bày, thấu chi thường kèm theo lãi cao và rui ro khi bạn không trả được nợ, vì vậy chỉ sử dụng thấu chi khi thực sự cần thiết.
- Trong quá trình sử dụng, bạn cần theo dõi số dư tài khoản, lịch trả nợ thường xuyên để kiểm soát chi tiêu trong hạn mức thấu chi, tránh tiêu dùng lãng phí, đồng thời đảm bảo trả nợ lãi tránh quá hạn.
- Thời gian tối đa cần hoàn trả gốc cho ngân hàng thường là 01 năm, tuy nhiên bạn nên cân đối trả nợ sớm khi có thể vì lãi suất thấu chi khá cao, càng để lâu thì lãi suất bạn phải chi trả sẽ càng nhiều.
Trên đây là những nội dung cơ bản về hình thức vay thấu chi, hy vọng bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn vay thấu chi là gì và cân nhắc lợi ích trước khi sử dụng nó.
Thắc mắc thường gặp về hình thức vay thấu chi
Thẻ thấu chi là gì?
Thẻ thấu chi là một loại thẻ ngân hàng được liên kết với tài khoản thấu chi của bạn. Nó cho phép bạn thực hiện các giao dịch mua sắm, rút tiền và chuyển khoản ngay cả khi tài khoản của bạn không có đủ số dư.
Tài khoản thấu chi có được rút tiền mặt?
Có, bạn có thể rút tiền mặt từ tài khoản thấu chi của mình, nhưng cần phải tuân thủ hạn mức thấu chi được ngân hàng phê duyệt.
Vay thấu chi có chuyển khoản được không?
Có, bạn có thể sử dụng số tiền vay thấu chi để chuyển khoản, miễn là không vượt quá hạn mức thấu chi được phê duyệt.
Trả nợ vay thấu chi như thế nào?
Việc trả nợ vay thấu chi có thể được thực hiện thông qua nhiều phương thức, bao gồm chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản thấu chi, nộp tiền mặt tại các chi nhánh ngân hàng, hoặc sử dụng các dịch vụ thanh toán trực tuyến. Bạn cần phải trả cả số tiền gốc và lãi phát sinh, theo điều kiện và thời hạn mà ngân hàng đặt ra.