Chắc hẳn bạn sẽ thường nghe đến mã xác thực OTP khi giao dịch tài khoản hoặc sử dụng thẻ tại máy ATM của ngân hàng, vậy mã xác thực này với mã giao dịch ngân hàng có giống nhau không? Trong nhiều trường hợp bạn được yêu cầu mã giao dịch ngân hàng để thực hiện tra cứu thông tin giao dịch, nhưng bạn không biết lấy mã này ở đâu.
Để tránh được sự nhầm lẫn, bài viết hôm nay Fingo sẽ giúp bạn nhận biết “Mã giao dịch ngân hàng”, phân biệt giữa mã giao dịch và mã xác thực.
Mã giao dịch ngân hàng là gì?
Mã giao dịch ngân hàng là một dãy số và ký tự duy nhất được tạo ra sau mỗi giao dịch thành công, bao gồm cả giao dịch chuyển khoản, thanh toán, nạp tiền, rút tiền,… Mã giao dịch này có vai trò quan trọng được ngân hàng sử dụng để tra cứu chi tiết thông tin về giao dịch cũng như chứng minh rằng giao dịch đã được thực hiện thành công.
Thông thường, mã giao dịch ngân hàng sẽ bắt đầu bằng chữ FT như ở ngân hàng Techcombank, VPBank… hoặc bắt đầu bằng một số ký tự khác như Vietcombank là MBVCBxxxx, Vietinbank là GDxxxxxxxxx, sau đó là một chuỗi số. Ví dụ: FT123456789012, MBVCB12345678, GD12345678…..
Phân biệt mã giao dịch ngân hàng, mã xác thực và mã điện thành công
Mã giao dịch ngân hàng là một dãy số được gán cho mỗi giao dịch mà bạn thực hiện qua tài khoản như chuyển khoản, thanh toán, rút tiền hoặc được nhận tiền từ người khác chuyển đến…, mã này được sinh ra sau khi thực hiện xong các giao dịch trên, bạn có thể dễ dàng tìm được mã này qua một số cách hướng dẫn bên dưới.
Trong khi mã xác thực giao dịch (mã OTP) là mã ngân hàng sẽ cung cấp cho khách hàng trước khi thực hiện giao dịch, thông thường qua tin nhắn, email hoặc qua thông báo tại app internet banking. Bạn cần phải nhập mã này khi được yêu cầu thì mới có thể hoàn tất các giao dịch chuyển tiền/chuyển khoản trên ngân hàng trực tuyến.
Còn mã điện thành công là mã giao dịch giữa các ngân hàng khi thực hiện chuyển tiền thành công, mã này có thể bạn là khách hàng không được biết. Khi chuyển tiền thành công, ngân hàng chuyển sẽ sinh ra một mã điện thành công cho giao dịch, tiền có thể chuyển đi ở bên ngân hàng chuyển nhưng ngân hàng người nhận có thể chưa nhận được ngay, trong trường hợp bạn là người nhận cần gấp muốn kéo tiền về tài khoản nhanh nhất để có thể thực hiện các giao dịch khác, người nhận có thể yêu cầu người chuyển hỗ trợ hỏi mã điện này tại ngân hàng chuyển tiền, sau đó cung cấp lại cho bên ngân hàng nhận để kéo tiền về tài khoản.
Hướng dẫn cách tra mã giao dịch ngân hàng
Mã giao dịch ngân hàng có thể được cung cấp cho khách hàng thông qua nhiều cách khác nhau, bao gồm:
- Tra cứu trên ứng dụng ngân hàng điện tử internet banking hoặc mobile banking: Bạn có thể tra cứu mã giao dịch trên ứng dụng ngân hàng điện tử, thực hiện tra cứu ở lịch sử giao dịch để xem các giao dịch trong khoảng thời gian nhất định, mỗi giao dịch sẽ có mã giao dịch ở phần thông tin.
- Tra cứu ngay trên màn hình giao dịch: Khi khách hàng thực hiện giao dịch thành công, mã giao dịch sẽ được hiển thị trên màn hình giao dịch, bạn có thể thực hiện chụp hoặc lưu lại để lưu giữ việc giao dịch đã thành công.
- Qua tin nhắn SMS: Nếu bạn đăng ký nhận biến động số dư qua tin nhắn, ngân hàng sẽ gửi thông tin giao dịch qua tin nhắn SMS đến số điện thoại của bạn, trong đó sẽ có mã giao dịch mà bạn cần.
- Qua email: Một số ngân hàng sẽ gửi mã giao dịch qua email đến địa chỉ email của khách hàng.
- Tra cứu qua sao kê tài khoản bản cứng được in từ hệ thống ngân hàng, khi bạn đăng ký dịch vụ nhận sao kê định kỳ. Bằng hình thức này bạn có thể xem được đầy đủ mã giao dịch, diễn giải và số tiền giao dịch. Đây có thể coi là hình thức tra cứu đầy đủ thông tin trong các hình thức.
Vai trò của mã giao dịch ngân hàng
Mã giao dịch ngân hàng có vai trò quan trọng trong việc tra cứu thông tin giao dịch. Bạn có thể sử dụng mã giao dịch để tra cứu ngay tại ứng dụng ngân hàng điện tử hoặc yêu cầu ngân hàng tra cứu các thông tin giao dịch như: số tiền giao dịch, thời gian giao dịch, số tài khoản thụ hưởng,…
Ngoài ra, mã giao dịch ngân hàng cũng được sử dụng để xác minh giao dịch. Trong các trường hợp bạn nghi ngờ các giao dịch không minh bạch trên tài khoản hoặc có thể bạn không thực hiện giao dịch đó, bạn có thể yêu cầu thực hiện xác minh giao dịch qua điện thoại hoặc qua tổng đài, khi đó nhân viên ngân hàng sẽ yêu cầu bạn cung cấp mã giao dịch để xác minh giao dịch.
Vì vậy, có một số lưu ý khi bạn sử dụng mã giao dịch ngân hàng:
- Mã giao dịch là thông tin quan trọng, bạn cần bảo mật mã giao dịch.
- Bạn không nên cung cấp mã giao dịch cho người lạ, tránh trường hợp bị sử dụng mã giao dịch để lừa đảo.
- Nếu mã giao dịch bị lộ, bạn cần liên hệ ngay với ngân hàng để được hỗ trợ.
Hy vọng qua bài viết này bạn đã hiểu rõ hơn về mã giao dịch ngân hàng, vai trò của nó và cách lấy mã giao dịch trong trường hợp cần sử dụng chúng.