Sở hữu thẻ tín dụng đem lại rất nhiều tiện ích và ưu đãi cho người sử dụng. Tuy nhiên, khi sử dụng thẻ tín dụng bạn phải trả một khoản chi phí liên quan đến việc sử dụng thẻ bao gồm lãi suất, phí thường niên, phí ứng tiền mặt, phí giao dịch ngoại tệ, phí chậm thanh toán,…. Trong đó chi phí phổ biến nhất là lãi suất thẻ tín dụng.
Vì vậy, lãi suất thẻ tín dụng là một trong những yếu tố quan trọng cần được lưu ý khi sử dụng thẻ tín dụng. Hiểu rõ cách tính lãi suất thẻ tín dụng sẽ giúp bạn sử dụng thẻ tín dụng một cách hiệu quả.
Lãi suất thẻ tín dụng là gì?
Lãi suất thẻ tín dụng là khoản phí mà chủ thẻ phải trả cho ngân hàng khi sử dụng thẻ tín dụng để rút tiền mặt hoặc không thanh toán đầy đủ số dư nợ tín dụng trong kỳ sao kê trước.
Các giao dịch phát sinh từ thẻ tín dụng, bản chất cũng giống như bạn đang vay một khoản tiền của ngân hàng nên sẽ bị tính lãi suất như các khoản vay thông thường khác.
Tuy nhiên, khi sử dụng thẻ tín dụng để chi chi tiêu và mua sắm, bạn sẽ có một khoảng thời gian, thông thường là 45 ngày – 55 ngày tùy từng ngân hàng, để hoàn trả lại tiền cho ngân hàng mà không bị tính lãi suất.
Nếu hết thời gian miễn lãi mà khách hàng vẫn chưa thanh toán số tiền đã chi tiêu cho ngân hàng thì sẽ bị tính lãi suất. Dưới đây là các tính lãi suất thẻ tín dụng
Cách tính lãi suất thẻ tín dụng
Đối với các giao dịch thanh toán hàng hóa, dịch vụ

Khi chủ thẻ thanh toán đầy đủ số dư nợ tín dụng vào đúng hạn, ngân hàng sẽ không tính lãi suất. Tuy nhiên, nếu chủ thẻ không thẻ thanh toán đủ số dư nợ, họ sẽ bị tính lãi suất trên tổng số dư nợ trong kỳ sao kê, ngay cả khi đã trả số tiền tối thiểu yêu cầu.
Khách hàng thanh toán dư nợ tối thiểu khi đến hạn:
Hiện nay hầu hết các ngân hàng đều áp dụng khoản thanh toán tối thiểu là 5% dư nợ cuối kì. Nếu bạn thanh toán đủ số dư nợ tối thiểu, ngân hàng vẫn sẽ tính lãi suất đối với các giao dịch phát sinh trong kỳ sao kê đó, phần dư nợ còn lại chưa thanh toán sẽ được tính lãi vào kỳ sao kê tiếp theo.
Một ví dụ ngắn giúp bạn dễ hiểu hơn khi sử dụng thẻ tín dụng:
- Vào ngày 3/4, bạn đã dùng thẻ tín dụng để chi tiêu mua một món hàng trị giá 4 triệu đồng. Dư nợ 1 là 4 triệu đồng.
- Ngày 16/4 bạn nộp 3 triệu đồng vào thẻ tín dụng. Dư nợ 2 là 1 triệu đồng.
- Ngày 19/4, bạn chi tiêu mua sắm tại siêu thị hết 1 triệu đồng. Dư nợ 3 là 2 triệu đồng
- Ngày chốt sao kê là ngày 20 hàng tháng và bạn được miễn lãi 45 ngày. Vậy tổng dư nợ tháng 4 là 2 triệu đồng.
- Đến ngày 5/5, bạn trả số tiền tối thiểu cho thẻ tín dụng là 5% tổng dư nợ là 100.000VNĐ. Tuy nhiên, lãi suất sẽ tính trên tổng dư nợ trong tháng của bạn. Lãi suất tính 33%/năm.
- Lãi suất trên dư nợ 1 từ ngày 3/4 đến 15/4: 4 triệu đồng x 33%/365 x 15 ngày = 52.247 đồng.
- Lãi suất trên dư nợ 2 từ ngày 16/4 đến 18/4: 1 triệu đồng x 33%/365 x 2 ngày = 1.808 đồng.
- Lãi suất trên dư nợ 3 từ ngày 19/4 đến 5/5: 2 triệu đồng x 33%365 x 17 ngày = 30.739
- Vậy tổng số tiền lãi bạn phải trả là: 52.247 + 1.808 + 30.739 = 84.794 đồng.
Xem thêm: Khoản thanh toán tối thiểu thẻ tín dụng là gì?
Khách hàng không thanh toán dư nợ tối thiểu khi đến hạn:
Nếu không thanh toán khoản tối thiểu khi đến hết thời gian miễn lãi, bạn sẽ phải chịu thêm khoản phí phạt chậm thanh toán và lãi suất quá hạn. Mức phí chậm thanh toán sẽ khoảng 4-6% khoản nợ.
Trong vòng 60 ngày kể từ khi đến hạn thì khoản thanh toán tối thiểu sẽ bị tính phí phạt trả chậm và lãi suất quá hạn. Nếu sau 60 ngày, bạn vẫn chưa trả khoản thanh toán tối thiểu cho ngân hàng thì toàn bộ dư nợ chưa thanh toán trong kỳ phải chịu lãi suất quá hạn và phí phạt trả chậm.
Lấy ví dụ để bạn có thể hiểu rõ hơn về phí phạt trả chậm:
- Vào ngày 3/4, bạn đã dùng thẻ tín dụng để chi tiêu mua một món hàng trị giá 4 triệu đồng. Dư nợ 1 là 4 triệu đồng.
- Ngày 19/4, bạn chi tiêu mua sắm tại siêu thị hết 1 triệu đồng. Dư nợ 2 là 5 triệu đồng
- Ngày chốt sao kê là ngày 20 hàng tháng và bạn được miễn lãi 45 ngày. Khoản thanh toán tối thiểu là 5% tổng dư nợ. Đến ngày 8/5, bạn thanh toán toàn bộ dư nợ cho ngân hàng. Lãi suất tính 33%/năm, phí phạt trả chậm là 4%, tối thiểu 100.000VNĐ.
- Lãi suất trên dư nợ 1 từ ngày 3/4 đến 15/4: 4 triệu đồng x 33%/365 x 15 ngày = 52.247 đồng.
- Lãi suất trên dư nợ 2 từ ngày 16/4 đến 8/5: 5 triệu đồng x 33%/365 x 23 ngày = 103.973 đồng.
- Phí phạt chậm: (5% x 5 triệu đồng) x 4% = 10.000 < 100.000VNĐ (khoản thanh toán phí phạt chậm tối thiểu)
- Vậy tổng số tiền bạn phải trả là: 5.000.000 + 52.247 + 103.973 + 100.000 = 5.256.220 đồng.
Đối với giao dịch rút tiền mặt tại ATM

Thẻ tín dụng là một công cụ cho vay do ngân hàng cung cấp để người tiêu dùng có thể chi tiêu và mua sắm; rút tiền mặt chỉ là một tính năng bổ sung. Vì vậy khi sử dụng thẻ tín dụng để rút tiền mặt tại ATM, khách hàng sẽ bị tính phí trên số tiền rút, ngoài ra lãi suất sẽ được tính từ thời điểm rút tiền mà không được hưởng thời gian miễn lãi như khi sử dụng thẻ để chi tiêu mua sắm. Do đó, bạn chỉ nên rút tiền mặt từ thẻ tín dụng khi thực sự cần thiết
Giả sử bạn sử dụng Thẻ Tín Dụng HSBC Visa Cashback có hạn mức 25 triệu với mức lãi suất 33%/năm và phí rút tiền mặt là 4%/giá trị giao dịch.
Ngày 1/2, bạn rút 10 triệu đồng tiền mặt từ máy ATM và trả lại cho ngân hàng sau 2 tuần (14 ngày). Tổng số tiền bạn cần thanh toán lại cho ngân hàng vào ngày 14/2 là: 10.531.638 đồng, trong đó:
- Phí rút tiền: 10 triệu x 4% = 400 nghìn đồng
- Lãi suất: (10 triệu/ 365 ngày) x 14 ngày = 131.639 đồng
Những lưu ý giúp tránh bị tính lãi suất cao khi sử dụng thẻ tín dụng
Nếu bạn nắm rõ bản chất của lãi suất thẻ tín dụng, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát và sử dụng thẻ tín dụng một cách hiệu quả. Dưới đây là một số gợi ý:
Chọn thẻ tín dụng có lãi suất thấp hoặc miễn lãi suất trọn đời
Nhiều ngân hàng cung cấp các sản phẩm thẻ tín dụng có lãi suất thấp hoặc miễn lãi suất trọn đời cho khách hàng. Bạn có thể sử dụng công cụ so sánh thẻ tín dụng Fingo để tìm ra các sản phẩm thẻ tín dụng có lãi thấp hoặc miễn lãi suất kèm theo các chương trình ưu đãi, khuyến mãi háp dẫn.
Thanh toán dư nợ tín dụng đúng hạn
Bên cạnh việc chọn những thẻ tín dụng có lãi suất thấp hoặc miễn phí thì việc thanh toán dư nợ thẻ tín dụng trong thời gian ưu đãi là cách hiệu quả nhất để bạn không bị tính lãi suất. Nắm rõ ngày sao kê và ngày thanh toán của thẻ tín dụng để bạn biết thời gian còn lại để chuẩn bị thanh toán dư nợ. Đồng thời cài đặt thanh toán dư nợ tự động để đảm bảo bạn không bị quên dẫn trới trẽ hạn thanh toán.
Giao dịch vào đầu chu kỳ thanh toán
Chu kỳ thanh toán là khoảng thời gian từ ngày cuối cùng của chu kỳ trước đến ngày cuối cùng của chu kỳ hiện tại. Nếu bạn thực hiện giao dịch vào đầu chu kỳ thanh toán, bạn sẽ có thêm thời gian để trả nợ trước ngày đáo hạn, giảm thiểu lãi suất phát sinh.
Hạn chế sử dụng thẻ tín dụng để mua sắm khi đã cận ngày sao kê
Khi bạn mua hàng gần ngày lên sao kê, thời gian miễn lãi cho giao dịch đó sẽ ngắn hơn so với các giao dịch được thực hiện đầu kỳ sao kê. Do đó hãy hạn chế sử dụng thẻ tín dụng để mua sắm khi đang gần ngày lên sao kê sẽ giúp bạn tránh phát sinh lãi suất không cần thiết.
Hạn chế rút tiền mặt từ thẻ tín dụng
Hạn chế rút tiền mặt từ thẻ tín dụng vì bạn sẽ bị tính phí rút tiền mặt và lãi suất sẽ được tính từ ngày rút tiền. Do đó, bạn chỉ nên rút tiền mặt từ thẻ tín dụng trong trường hợp thực sự cần thiết.
Lập ngân sách và kiểm soát chi tiêu
Để đảm bảo bạn có đủ tiền để thanh toán dư nợ tín dụng đúng hạn, lập ngân sách hàng tháng và kiểm soát chi tiêu của bạn. Điều này sẽ giúp bạn không vượt quá hạn mức tín dụng và dễ dàng thanh toán đúng hạn. Hạn chế chi tiêu khi bạn cảm thấy không thể thanh toán số dư nợ đúng hạn. Trước khi sử dụng thẻ tín dụng để mua bất kỳ sản phẩm nào, hãy cân nhắc liệu bạn có khả năng thanh toán khoản chi tiêu đó đúng hạn được hay không.
Kết luận
Trên đây là một số thông tin cơ bản về lãi suất thẻ tín dụng mà bạn cần biết. Nếu bạn đang có ý định sử dụng thẻ tín dụng, hãy thực hiện việc nghiên cứu kỹ càng trước khi quyết định lựa chọn thẻ tín dụng phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của mình. Ngoài ra, hãy luôn cẩn trọng khi sử dụng thẻ tín dụng để tránh mắc phải các khoản nợ tích lũy lãi suất cao và gây áp lực tài chính không đáng có cho bản thân.