• Sổ tiết kiệm là gì? 2 cách mở sổ tiết kiệm ngân hàng
    Bùi Thu Hằng

    Sổ tiết kiệm là gì? 2 cách mở sổ tiết kiệm ngân hàng

    Mở sổ tiết kiệm là một hình thức tiết kiệm khá quen thuộc với nhiều người, khi mong muốn tích lũy số tiền nhàn rỗi của mình với một mức lãi suất nhất định tại ngân hàng. Bài viết hôm nay Fingo sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn sổ tiết kiệm là gì, các loại sổ tiết kiệm và cách thức mở sổ tiết kiệm để bạn có thể lựa chọn phù hợp với nhu cầu của mình.

    Sổ tiết kiệm là gì?

    Sổ tiết kiệm (tiếng Anh: Passbook) là một loại giấy tờ do ngân hàng cấp, nhằm mục đích xác nhận quyền sở hữu đối với tài sản (tiền) gửi tại ngân hàng đó.

    Trên sổ tiết kiệm sẽ ghi rõ thông tin người gửi tiền, số tiền, thời gian và lãi suất áp dụng. Số tiết kiệm còn có một số tên gọi khác như thẻ tiết kiệm, sổ tiền gửi, thẻ tiền gửi…

    Các lợi ích khi mở sổ tiết kiệm

    Cac loi ich khi mo so tiet kiem
    Các lợi ích khi mở sổ tiết kiệm

    Mở sổ tiết kiệm tại ngân hàng có thể mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho người tiết kiệm. Dưới đây là một số lợi ích quan trọng:

    • An toàn và bảo đảm: Một trong những lợi ích lớn nhất của việc mở sổ tiết kiệm là sự an toàn. Ngân hàng là các tổ chức tài chính được quản lý chặt chẽ và thường được bảo hiểm tiền gửi, giúp bạn có thể yên tâm rằng số tiền của mình sẽ được bảo toàn.
    • Tích lũy tiền: Việc mở sổ tiết kiệm giúp bạn có thói quen tiết kiệm tốt hơn. Bạn sẽ không thể rút tiền một cách dễ dàng như tài khoản thanh toán, từ đó giảm thiểu nguy cơ tiêu pha tiền tiết kiệm.
    • Linh hoạt trong thời hạn gửi và số tiền gửi: Ngân hàng thường cung cấp nhiều lựa chọn về thời hạn và số tiền gửi, từ ngắn hạn như 1 tháng đến dài hạn như vài năm, giúp khoản tiền nhàn rỗi của bạn được sinh lãi, nhưng vẫn linh hoạt theo nhu cầu khi bạn cần sử dụng tiền.
    • Sử dụng làm tài sản thế chấp khi vay vốn: Một số ngân hàng còn cho phép bạn sử dụng sổ tiết kiệm như một phần tài sản thế chấp khi bạn cần vay vốn hoặc tham gia vào các sản phẩm đầu tư khác.
    • Quản lý tài chính tốt hơn: Việc mở sổ tiết kiệm giúp bạn quản lý tài chính cá nhân một cách hiệu quả hơn, bằng cách phân loại tiền vào các “ngăn” khác nhau với mục đích sử dụng cụ thể.

    Các loại sổ tiết kiệm hiện nay

    Sổ tiết kiệm có kỳ hạn

    Sổ tiết kiệm có kỳ hạn là loại hình tiết kiệm mà thời gian gửi tiền đã được xác định trước, có thể là theo tuần, tháng, hoặc năm. Mức lãi suất tại thời điểm mở sổ sẽ được cố định trong toàn bộ thời gian gửi tiền.

    Thường không được rút tiền trước khi hết hạn sổ tiết kiệm, nếu rút sẽ không được hưởng mức lãi suất tại thời điểm mở sổ cho thời gian đã gửi mà thường sẽ không được lãi hoặc tính theo lãi không kỳ hạn.

    Loại hình này phù hợp với những người có thu nhập ổn định, sẽ không cần sử dụng đến khoản tiền gửi tiết kiệm trong khoảng thời gian dự định, để tránh trường hợp cần tất toán trước hạn, sẽ mất lãi nhiều.

    Số tiết kiệm không kỳ hạn

    Sổ tiết kiệm không kỳ hạn là một loại hình tiết kiệm không xác định thời gian gửi tiền. Điều này có nghĩa là khách hàng có thể rút tiền bất cứ lúc nào mình muốn, mà không cần phải chờ đến hết kỳ hạn.

    Mức lãi suất của sổ tiết kiệm không kỳ hạn thường rất thấp so với sổ tiết kiệm có kỳ hạn. Lãi suất thường thả nổi và có thể thay đổi theo thời kì, tùy thuộc vào điều kiện thị trường và ngân hàng.

    Lãi suất thấp do bạn có thể rút bất kỳ lúc nào, ngân hàng sẽ luôn phải duy trì số tiền nhất định để đảm bảo thanh khoản hoặc chỉ được phép kinh doanh số tiền này với thời gian ngắn hạn, đầu tư vào các loại hình có thể rút tiền ngay nên lãi suất sẽ không cao.

    Trong khi tiền gửi có kỳ hạn thì ngân hàng được giữ tiền của bạn vào một thời gian cụ thể, vì vậy chủ động trong việc lưu trữ và kinh doanh khoản tiền này cho phù hợp, vì vậy lãi suất cao hơn.

    Khi khách hàng rút, lãi sẽ được tính theo % lãi suất không kỳ hạn tại thời điểm tất toán nhân giá trị tiền gửi với toàn bộ thời gian gửi.

    Loại hình này phù hợp với khách hàng sử dụng tiền thường xuyên, chỉ gửi tiền vào ngân hàng để mục đích lưu trữ (đảm bảo an toàn) để sử dụng, và có thể lấy thêm lãi nếu được.

    Số tiết kiệm có kỳ hạn cố định nhưng được phép rút gốc linh hoạt

    Là sổ tiết kiệm được xác định thời gian, lãi suất cụ thể ban đầu tại thời điểm mở như số tiết kiệm có kỳ hạn thông thường. Tuy nhiên, bạn có thể thực hiện rút một phần gốc trước hạn, giá trị còn lại của sổ vẫn duy trì lãi suất cố định và thời gian khi mở sổ ban đầu.

    Các hình thức đáo hạn sổ tiết kiệm

    Số tiết kiệm gửi tiếp cả gốc và lãi khi hết hạn

    Với loại hình tiết kiệm này, khi sổ tiết kiệm hết hạn, ngân hàng sẽ tự động gia hạn sổ tiết kiệm của bạn. Toàn bộ số tiền gốc và lãi suất nhận được trong kỳ gửi trước đó sẽ được cộng lại và tiếp tục gửi trong kỳ mới.

    Lãi suất áp dụng cho kỳ gửi mới này thường sẽ là lãi suất hiện hành và tương đương với thời gian gửi ban đầu. Điều này giúp tăng cường hiệu quả của việc tái đầu tư, giúp bạn tận dụng lợi ích của lãi kép.

    Số tiết kiệm rút tiền lãi và gửi tiếp gốc khi hết hạn

    Loại hình tiết kiệm này cung cấp một tùy chọn linh hoạt hơn trong việc quản lý lãi và gốc. Khi hết hạn gửi tiền, hệ thống sẽ tự động gửi tiếp toàn bộ số tiền gốc của bạn với lãi suất hiện hành cho kỳ gửi mới.

    Thời gian gửi mới này thường cũng tương đương với thời gian gửi cũ ban đầu. Tuy nhiên, lãi suất nhận được trong kỳ gửi trước đó sẽ không được gửi tiếp, mà sẽ được chuyển trực tiếp vào tài khoản thanh toán của bạn. Điều này giúp bạn có thêm nguồn tiền mặt mà không cần phải tất toán sổ tiết kiệm.

    Sổ tiết kiệm rút toàn bộ gốc và lãi khi hết hạn

    Đây có lẽ là loại hình tiết kiệm đơn giản và dễ hiểu nhất. Khi đến hạn gửi tiền, toàn bộ số tiền gốc cùng với lãi suất bạn đã kiếm được sẽ được chuyển tự động vào tài khoản thanh toán của bạn tại ngân hàng đó. Không có việc gia hạn sổ tiết kiệm hay tái đầu tư lãi suất.

    Loại hình này phù hợp với những người chỉ muốn gửi tiền trong một khoảng thời gian cố định và muốn rút toàn bộ số tiền khi đến hạn.

    Hướng dẫn cách mở sổ tiết kiệm

    Mở sổ tiết kiệm tại quầy

    Khi bạn mở sổ tiết kiệm tại quầy, bạn sẽ thực hiện giao dịch này trực tiếp tại phòng giao dịch hoặc chi nhánh của ngân hàng mà bạn muốn gửi tiết kiệm. Hồ sơ mở sổ tiết kiệm gồm giấy tờ tùy thân (CMND, căn cước công dân…) và một số giấy tờ khác nếu ngân hàng yêu cầu.

    Việc mở sổ tiết kiệm tại quầy thường mất thời gian hơn so với việc mở sổ tiết kiệm trực tuyến. Quy trình này bao gồm các bước từ việc thao tác của giao dịch viên, kiểm soát viên, đến việc in sổ và đóng dấu. Tất cả những bước này đều được thực hiện ngay tại ngân hàng.

    Mở sổ tiết kiệm tại quầy có mức độ bảo mật và an toàn rất cao, do bạn thực hiện giao dịch ngay tại ngân hàng và thường sẽ có sổ tiết kiệm bằng giấy để đảm bảo số tiền tiết kiệm của bạn đã được ghi nhận, ngay cả khi có xảy ra rủi ro hệ thống hoặc gian lận tại ngân hàng.

    Cách mở sổ tiết kiệm online

    Cách mở sổ tiết kiệm online
    Cách mở sổ tiết kiệm online

    Với hình thức này bạn sẽ không cần đến quầy giao dịch của ngân hàng mà sẽ thực hiện ở bất kì địa điểm nào, chỉ cần có thiết bị có kết nối internet.

    Để mở sổ tiết kiệm online thì bạn cần phải có tài khoản giao dịch tại ngân hàng mà bạn muốn mở sổ và đã có tài khoản Mobile Banking hoặc Internet Banking.

    Quy trình mở thường rất nhanh gọn, bạn đăng nhập vào app Mobile Banking hoặc Internet Banking, tìm đến mục tiết kiệm…Tại đây, bạn chọn chức năng mở sổ tiết kiệm online, chọn loại hình tiết kiệm, số tiền gửi, thời hạn gửi để hoàn thành mở sổ online.

    Mặc dù mở sổ tiết kiệm online không thực hiện trực tiếp tại ngân hàng, nhưng với sự hỗ trợ của hệ thống Mobile Banking hoặc Internet Banking, mọi giao dịch đều được bảo mật tối đa. Không có sự can thiệp từ nhân viên ngân hàng, giảm thiểu rủi ro gian lận.

    Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn tuyệt đối, bạn nên lưu trữ thông tin sổ tiết kiệm và thường xuyên kiểm tra trên ứng dụng, đồng thời thông báo cho ngân hàng nếu phát hiện bất kỳ lỗi nào.

    >> Xem thêm: Mở sổ tiết kiệm online có an toàn không? Cách mở chi tiết

    Một số lưu ý khi mở sổ tiết kiệm

    So sánh & lựa chọn ngân hàng phù hợp

    Trước khi mở sổ tiết kiệm nên tham khảo các ngân hàng, lựa chọn ngân hàng có chương trình phù hợp với nhu cầu gửi tiết kiệm của mình (nhu cầu có thể là lãi suất cao, tính thanh khoản cao hay uy tín của ngân hàng gửi tiền…)

    Gửi tiết kiệm online lãi suất cao hơn

    Hiện nay các ngân hàng thường khuyến khích người gửi tiền thực hiện gửi tiết kiệm online để dần giảm thiếu tính thủ công trong giao dịch với công nghệ hiện đại, vì vậy lãi suất gửi tiết kiệm online thường cao hơn so với gửi tại quầy.

    Số tiền tối thiểu để mở sổ tiết kiệm

    Tùy thuộc vào từng ngân hàng, số tiền tối thiểu để bạn có thể mở sổ tiết kiệm thường dao động từ 500.000 đến 1.000.000 đồng. Đây là thông tin bạn cần xác định trước để đảm bảo có đủ điều kiện mở sổ.

    Bảo quản sổ tiết kiệm cẩn thận

    Nếu bạn chọn hình thức gửi tiết kiệm sổ giấy, việc bảo quản sổ là rất quan trọng. Trong trường hợp sổ bị mất, bạn cần phải thông báo ngay lập tức cho ngân hàng để có các biện pháp xử lý kịp thời.

    Với hình thức gửi tiết kiệm online, lưu trữ thông tin các sổ tiết kiệm, kiểm tra thường xuyên để thông báo ngân hàng xử lý khi có vấn đề hệ thống xảy ra.

    Không giao sổ tiết kiệm cho bất kỳ ai

    Không nên đồng ý cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng, nợ sổ hoặc giữ giúp sổ tiết kiệm của bạn. Trong trường hợp bạn cần giao sổ tiết kiệm cho ngân hàng để vay vốn, hãy đảm bảo có biên bản giao nhận rõ ràng và đầy đủ.

    >> Xem thêm: Nên mở sổ tiết kiệm ngân hàng nào tốt nhất?

    Thắc mắc thường gặp khi mở sổ tiết kiệm

    Mở sổ tiết kiệm cần bao nhiêu tiền?

    Số tiền cần thiết để mở sổ tiết kiệm có thể khác nhau tùy thuộc vào ngân hàng và loại sổ tiết kiệm bạn chọn. Một số ngân hàng có thể yêu cầu một số tiền tối thiểu (ví dụ: 1 triệu VND, 5 triệu VND, hoặc nhiều hơn), trong khi ngân hàng khác có thể không có yêu cầu này. Bạn nên tham khảo thông tin từ ngân hàng mình quan tâm để biết chính xác.

    Mở sổ tiết kiệm lãi suất bao nhiêu?

    Lãi suất cho sổ tiết kiệm cũng có sự biến động tùy thuộc vào ngân hàng và thời hạn gửi. Lãi suất thường được tính theo năm và có thể dao động từ 3% đến 8% hoặc cao hơn. Bạn cần đọc kỹ các điều khoản và điều kiện để hiểu rõ về mức lãi suất.

    Sổ tiết kiệm đến hạn không rút có sao không?

    Nếu sổ tiết kiệm của bạn đến hạn mà bạn không rút tiền, có thể có một số tình huống xảy ra tùy thuộc vào ngân hàng và loại sổ tiết kiệm:

    • Tự động gia hạn: Sổ tiết kiệm sẽ được gia hạn tự động với cùng thời hạn và lãi suất có thể khác.
    • Chuyển thành tài khoản tiết kiệm không kỳ hạn: Tiền sẽ được chuyển vào một loại tài khoản có lãi suất thấp hơn.

    Sổ tiết kiệm có chuyển khoản được không?

    Thường thì tiền trong sổ tiết kiệm không thể chuyển khoản trực tiếp như tài khoản thanh toán. Tuy nhiên, bạn có thể đóng sổ và rút tiền, sau đó thực hiện chuyển khoản.

    Chuyển nhượng sổ tiết kiệm có được không?

    Tùy thuộc vào ngân hàng và loại sổ tiết kiệm, việc chuyển nhượng có thể được thực hiện hoặc không. Một số ngân hàng cho phép chuyển nhượng sổ tiết kiệm, nhưng có thể sẽ áp dụng các phí và điều kiện cụ thể.

    Hợp đồng tiền gửi khác gì sổ tiết kiệm?

    Cả hai đều là các sản phẩm tiết kiệm của ngân hàng, nhưng thường có một số khác biệt:

    • Hợp đồng tiền gửi: Thường được sử dụng cho số tiền lớn và có thể có điều kiện và lãi suất cụ thể được thương lượng giữa bạn và ngân hàng.
    • Sổ tiết kiệm: Thường có lãi suất và điều kiện tiêu chuẩn, phù hợp với số tiền nhỏ hơn và không cần thương lượng.

    Kết luận

    Qua bài viết, hy vọng bạn đã có cái nhìn tổng quan và đầy đủ về sổ tiết kiệm cũng như cách mở sổ tiết kiệm tại ngân hàng. Đây không chỉ là một phương pháp tiết kiệm tiền an toàn, mà còn là cách đầu tư thông minh để tăng thu nhập từ số tiền bạn đã tiết kiệm.

    Nếu bạn còn có bất kỳ thắc mắc hay câu hỏi, đừng ngần ngại liên hệ với Fingo hoặc để lại bình luận phía dưới để được hỗ trợ nhé.

    5/5 - (1 bình chọn)
    Thông tin này có hữu ích với bạn không?
    Avatar of Bùi Thu Hằng

    Bùi Thu Hằng

    Xin chào! tôi là Bùi Thu Hằng, tốt nghiệp Đại học kinh tế Quốc Dân và có hơn 5 năm kinh nghiệm làm việc trong các tổ chức tài chính, ngân hàng như Techcombank, TpBank, Vicoland. Sự hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực tài chính và kinh nghiệm thực tiễn có được trong quá trình làm việc, tôi mong muốn được chia sẻ những thông tin hữu ích đến bạn đọc thông qua các bài viết trên website fingo.vn

    Chi tiết

    Trả lời

    Bình luận

    Back to top